Gout là bệnh lý do sự rối loạn chuyển hóa nhân purin, làm tăng acid uric trong máu, dẫn đến lắng đọng các tinh thể urate ở các mô. Gout biểu hiện bằng những đợt viêm khớp cấp tính và sau đó tiến triển thành mạn tính.
Điều đáng quan ngại là người mắc gout ngày càng trẻ hóa trong độ tuổi 30 - 40 và tỉ lệ này ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, đa số người mắc gout thường xem nhẹ tình trạng bệnh, cho rằng bệnh gout không nguy hiểm bằng các bệnh đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… nên không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.
Bệnh gout thường ảnh hưởng đến các khớp ở chi dưới. Khi bệnh gout nặng hơn hoặc tiến triển thành mạn tính, nhiều khớp có thể bị ảnh hưởng cùng một lúc, dẫn đến đau và cứng khớp, hình thành hạt tophi ở khớp, bệnh thận do gout... Nếu không được điều trị phù hợp, người bệnh dễ bị biến dạng xương khớp, giảm chức năng vận động, thậm chí dẫn tới tàn phế, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống. Khi những hạt tophi bị vỡ, nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập rất cao, gây ra viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết...
Như vậy, có thể nói khi mắc gout không được kiểm soát và điều trị, sẽ dẫn đến tình trạng bệnh tái phát nhiều lần, gây ra nhiều biến chứng của gout mạn tính, với dấu hiệu đặc trưng là xuất hiện hạt tophi.
Hạt tophi thực chất là những khối u, cục nổi trên bề mặt da tại các khớp của người bệnh. Các biểu hiện này không chỉ làm mất thẩm mỹ, nếu không được xử lý hoặc xử lý không đúng cách có thể khiến tophi bị vỡ gây nhiễm trùng máu, lở loét, hoại tử…
Hạt tophi thường được biểu hiện trông giống những khối u nhỏ, phồng phát triển trên các khớp ngay dưới da.
Mặc dù phát triển bên dưới lớp da, nhưng các hạt tophi vẫn có thể dễ dàng sờ và trông thấy được. Các hạt có thể từ 1 đến rất nhiều hạt, kích thước thay đổi, có thể rất khó phát hiện (0.5 - 1mm) hoặc rất to (3 - 10cm).
Hạt tophi thường chứa dịch lỏng, sệt hoặc tinh thể rắn giống tổ chức bã đậu. Qua lớp da có thể thấy màu trắng nhạt của tinh thể urat trong hạt tophi.
Hạt tophi có lúc ở tình trạng viêm cấp làm da nóng, đỏ. Theo thời gian, phát triển to dần, vỡ chảy ra chất nhão và trắng như phấn, hoặc rỉ dịch vàng. Vết lở loét da do hạt tophi vỡ sẽ rất lâu liền, gây nhiễm trùng mạn tính. Đây là gánh nặng cho các bệnh nhân.
Các hạt tophi không tự gây đau, nhưng bệnh nhân vẫn sẽ có cảm giác khó chịu bởi khớp bị sưng hoặc tổn thương. Da bị kéo căng do hạt tophi hình thành và xuất hiện các phản ứng viêm.
Trong các trường hợp nghiêm trọng, hạt tophi có thể ăn mòn xương, phá hủy sụn, gây đau đớn và suy nhược cơ thể.
Điều quan trọng, các hạt tophi thỉnh thoảng sẽ dẫn đến những đợt đau trội lên dữ dội, thường được gọi là cơn gout cấp.
Các triệu chứng điển hình cơn gout cấp như:
Hạt tophi thường xuất hiện chậm, hàng chục năm sau cơn gout đầu tiên. Theo các nghiên cứu cho thấy, hạt tophi xuất hiện sau 10 năm kể từ khi có cơn gout cấp hoặc sớm hơn trong trường hợp bệnh nhân cao tuổi. Khi đã xuất hiện thì dễ tăng số lượng và khối lượng và có thể loét. Vì vậy, với người bệnh gout việc tuân thủ điều trị để kiểm soát bệnh là vô cùng quan trọng.
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần một chế độ ăn hợp lý sẽ cải thiện nhiều trong quá trình điều trị và phòng ngừa bệnh gout tái phát. Những thực phẩm người bệnh cần dùng là: Rau xanh giàu chất xơ như dưa chuột, rau cần, cải xanh, cải bắp, cà chua, khoai tây, bí đỏ, lê, táo nho… các loại ngũ cốc, trứng, sữa…
Uống nhiều nước để tăng thải acid uric và cần có một chế độ sinh hoạt, rèn luyện thân thể một cách khoa học.
Tránh làm những việc nặng, gắng sức; tránh bị lạnh đột ngột; tránh bị stress căng thẳng thần kinh.
Nếu chế độ ăn uống sinh hoạt đạt hiệu quả, acid uric máu dưới 6mg%, không có cơn gout, không có hạt tophi và tổn thương thận, thì không cần dùng thuốc hạ acid uric.
Gout là một trong những bệnh về xương khớp phổ biến nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng số lượng người bệnh đến khám các vấn đề về xương khớp. Triệu chứng đặc trưng của cơn gout cấp là khởi đầu đột ngột với tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội thường ở một khớp, đặc biệt là khớp ngón chân cái, làm hạn chế vận động.
Nhiều người bệnh chỉ dùng thuốc khi có các triệu chứng sưng đau khớp. Sau đó khi thấy các triệu chứng cải thiện thì tự ý bỏ thuốc, gây hậu quả nghiêm trọng, khiến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.